Thiên kiến nhận thức trong đầu tư
Quá trình đầu tư nói riêng hay cuộc sống của chúng ta nói chung, có thể được coi là một chuỗi của những quyết định được đưa ra. Kết quả của quyết định này lại mở ra một lựa chọn khác. Cứ thế và cứ thế.
Song, quá trình ra quyết định của chúng ta không phải khi nào cũng chính xác. Luôn có những nhân tố ảnh hưởng đến quá trình tư duy, phản hồi khi ta đưa ra quyết định. Một trong số đó chính là Thiên kiến nhận thức – Cognitive Bias. Tuy ta hiếm khi để ý, nhưng những thiên kiến nhận thức này gây một ảnh hưởng không nhỏ lên quyết định của chúng ta, nhất là trong quá trình đầu tư. Tại sao meme-coin lại bùng nổ hay tại sao chúng ta không muốn cắt lỗ ? Hiểu về Thiên kiến nhận thức sẽ cho ta câu trả lời cho những hành vi trên.
14 Thiên kiến nhận thức trong đầu tư
Thiên kiến về số lượng đơn vị – Unit Bias
Con người chúng ta mong muốn sở hữu một “lượng” lớn token hơn là chỉ một phần nhỏ của một token. Điều này có thể lý giải tại sao có những thời gian, meme-coin lại bùng nổ như vậy.
Hãy thử làm một phép thử, giả sử bạn gặp một người chưa biết rõ thị trường tiền điện tử và tình cờ bạn lại muốn “flex” – có mong muốn tiết lộ tài sản của mình. Bạn sẽ chọn phương án nào dưới đây ?
- Tôi đang sở hữu 0.01 Bitcoin đấy.
- Hay, Tôi đang cầm trong tay 26.142.163 – 26 triệu 142 nghìn 163 token SHIBA.
Tuy cả 2 sự lựa chọn trên, về bản chất, đều tương đương về giá. Nhưng thường người ta sẽ bỏ qua mặt giá mà nhìn thẳng vào mặt số lượng. Thiên kiến về đơn vị khiến con người ta thích sở hữu cả một lượng lớn token hơn, và meme-coin đã đáp ứng được điều này với mức giá siêu siêu rẻ của mình.
Song, chúng ta đều hiểu làn sóng meme ấy đã đi về đâu. Ít có meme-coin nào đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ như Dogecoin, Shiba hay Raca. Phần còn lại của làn sóng có lẽ đã đều đi vào lòng đất.
Để tránh dính phải thiên kiến này, chúng ta cần phải lưu ý về giá khi đầu tư. Hay một đơn vị có thể sử dụng để đánh giá khách quan nhất đó là Market Cap – Vốn hóa thị trường của đồng coin ấy.
Thiên kiến mỏ neo – Anchoring Bias
Thiên kiến này xảy ra khi con người ta đánh giá cả một vấn đề chỉ qua một góc nhìn hay một mảnh thông tin duy nhất. Thiên kiến mỏ neo này thường khiến ta quên đi bản chất của một vấn đề, dẫn đến những quyết định không chính xác. Có thể ví dụ như:
- Một người muốn đầu tư vào Bitcoin, tại thời điểm ấy, 1 BTC đang có giá $1000.
- Anh ta thử nhìn lại và thấy rằng chỉ vài tháng trước 1 BTC chỉ có giá $500. Anh ta cho rằng mức giá này quá đắt và mặc cả.
- Nhưng sau một thời gian, BTC đã lao lên mức giá $5000. Anh ta tiếc nuối.
Thiên kiến mỏ neo đã gây ảnh hưởng lên anh ta, do anh ta đã xem xét, đánh giá giá trị của BTC dựa trên quá khứ, thứ mà không một nhà đầu tư nào làm. Thay vào đó, có lẽ anh ta đã nên có một cái nhìn tổng quan hơn, đánh giá giá của BTC dựa trên tiềm năng tương lai của nó.
Thiên kiến xác nhận – Confirmation Bias
Thiên kiến xác nhận nhằm chỉ hành động khi chúng ta chỉ lắng nghe những thông tin mà chúng ta muốn. Những thông tin khác, chúng ta sẽ bỏ ngoài tai.
Đây là một hành vi khá phổ biến trong giới crypto. Hãy thử nhớ lại xem ? Đã bao giờ bạn nghe một thông tin xấu về một đồng coin mà mình đang hold, bạn cho rằng đó là FUD và bỏ ngoài tai. Hay thậm chí là phản đối, unfollow người tung ra tin đó. Đây chính là Confirmation Bias.
Khi đã bước vào con đường đầu tư, ta cần phải chấp nhận mọi thông tin, kể cả đó là FUD. Đôi thông tin ấy có thể không có thật, nhưng ta vẫn cần phải xác minh chứ không nên chọn cách bỏ qua nó.
Thiên kiến chi phí chìm – Sunk Cost Bias
Đây là một loại thiên kiến khá quen thuộc với tất cả chúng ta. Xảy ra khi chúng ta gặp phải một khoản đầu tư thua lỗ, nhưng vì lo sợ sẽ mất khoản tiền vốn ban đầu, chúng ta lại tiếp tục đầu tư thêm vào nó.
Giả sử, bạn đầu tư vào một đồng coin và không may đồng coin ấy đã mất đi 50% giá trị. Bấy giờ, bạn phải đứng trước 2 sự lựa chọn:
- Cắt lỗ và bảo toàn vốn, giữ lấy khoản tiền còn lại để tìm cơ hội đầu tư tốt hơn
- Tiếp tục đầu tư thêm với chiến thuật DCA.
Thường con người ta sẽ chọn lựa chọn thứ 2 do bị Sunk Cost Bias ảnh hưởng. Chúng ta lo sợ sẽ mất đi khoản tiền ban đầu. Nhưng đừng nhầm lẫn thiên kiến này với chiến thuật DCA nhé. Bởi DCA là khi chúng ta mua vì xác định đồng coin ấy tốt, muốn nắm giữ lâu dài. Còn khi đã bị thiên kiến này ảnh hưởng, có lẽ bạn sẽ muốn dca cả meme-coin đấy.
Do đó, khi khoản đầu tư ban đầu đã bị âm. Ta nên xác định rõ ràng xem, đây sẽ là khoản đầu tư lâu dài hay một khoản đầu tư ngắn hạn. Từ đó mà có cách hành xử hợp lý, trung bình giá hoặc chấp nhận cắt lỗ giữ lại một lượng vốn.
Thiên kiến về mất mát – Loss Aversion
Có một sự thật khá bất ngờ về cảm xúc của con người chúng ta, đó là con người thường ưa thích nỗi buồn. Có lẽ vì nó mang lại cho ta một cảm giác đặc biệt. Điều này vẫn đúng trong đầu tư. Cảm giác buồn khi mất đi $100 thường lớn hơn khi ta lãi được $100. Theo một tính toán, phải lớn đến hệ số 2.5 lần thì bộ não của chúng ta mới công nhận sự cân bằng, tức là lãi $250 mới thỏa mãn cảm giác buồn khi mất đi $100.
Thiên kiến về cảm giác mất mát đã làm ảnh hưởng nhiều lên góc nhìn khách quan của chúng ta khi đánh giá các khoản đầu tư. Nhất là với các bộ môn “cảm giác mạnh” như Future hay BO, thiên kiến này chính là nguyên nhân gây ra bao vụ hỏa hoạn ví, cháy tài khoản của các nhà đầu tư khi lọt vào vòng luẩn quẩn lỗ và gỡ.
Thiên kiến thông tin gần – Recency Bias
Là một thiên kiến mà ta gặp rất nhiều trong mùa Bull run. Recency Bias ám chỉ những quyết định của ta đã bị ảnh hưởng bởi những thông tin mà ta vừa tiếp nhận, gặp phải. Loại thiên kiến này làm giảm tính khách quan của quyết định chúng ta.
Các dự án GameFi có lẽ là case study rõ nét nhất cho Recency Bias này. Trong mùa uptrend vừa qua, các dự án GameFi mọc lên liên tục và tung ra rất nhiều bài quảng cáo, tiếp thị nhằm thu hút các nhà đầu tư. Và cứ thế, một số đông nhà đầu tư đã vô tình bị lượng thông tin khổng lồ ấy ảnh hưởng, tin vào sự phát triển mạnh mẽ của mảng GameFi. Và cái kết như thế nào, chắc hẳn chúng ta đều biết.
Tuy rằng tiếp thị luôn len lỏi vào cuộc sống hằng ngày của chúng ta, ta phải học cách chống lại kiểu thiên kiến này. Với trường hợp của thị trường crypto, cách tốt nhất để làm đó là “zoom out the market”. Hãy nhìn rộng ra, đánh giá tổng quan xu hướng trước khi để thông tin điều khiển mình.
Thiên kiến tự tin – Overconfidence Bias
Ám chỉ khi một người quá tự tin vào khả năng, kinh nghiệm của bản thân. Khi ta có được vài lần chiến thắng trong thị trường, ta bắt đầu có sự tự tin quá mức vào bản thân của mình. Và đôi khi, đấy lại là thứ sẽ khiến ta sớm thất bại.
Theo một nghiên cứu, kinh nghiệm và sự sáng tạo, thích nghi là 2 đại lượng đối nghịch nhau. Khi ta cho rằng kinh nghiệm của ta là đúng, chúng ta có xu hướng bác bỏ những thứ mới hơn, xa lạ hơn vùng kinh nghiệm của mình.
Để tránh gặp phải thiên kiến tự tin. Chúng ta cần:
- Luôn chấp nhận những thứ mới, không quá đề cao kinh nghiệm bản thân
- Dũng cảm đối đầu và biết phương pháp quản lý rủi ro.
Hiệu ứng sở hữu – Endowment Bias
Hiệu ứng sở hữu chỉ hành động đánh giá quá cao một đồ vật hay một khoản đầu tư vì ta đã nắm giữ nó lâu. Lấy một ví dụ dễ hiểu, giả sử khi ta đã mua được token ETH ở mức giá rất tốt – $500. Sau một quãng thời gian, đến thời điểm giá của ETH đạt $2000, ta cho rằng ETH đáng giá hơn nữa nên quyết định vẫn nắm giữ lượng token này.
Có thể thấy, nhờ sự yêu thích Ethereum mà ta vẫn có một khoản lợi nhuận. Nhưng có 2 sai lầm ở đây:
- Một là vì ta đã để cảm xúc can thiệp vào, làm mất đi tính khách quan của sự quyết định. Vì yêu thích ETH nên ta mới quyết định nắm giữ thêm, chứ không phải là vì đánh giá của bản thân về tiềm năng của ETH. Nếu cứ nắm giữ như vậy, chắc chắn sẽ không hiệu quả về lợi nhuận.
- Và vì mãi theo đuổi anh chàng Ether, ta sẽ bỏ qua ít nhiều cơ hội đầu tư khác trên thị trường.
Cách tốt nhất để tránh khỏi Endowment Bias có lẽ là: Tự đặt cho mình câu hỏi về giá trị của khoản đầu tư ấy, giả sử mình là người ngoài, liệu mình có mua vào tại thời điểm này ? …
Cố gắng đạt được một cái nhìn khách quan nhất trước khi ra quyết định.
Thiên kiến kẻ sống sót – Survivorship Bias
Survivorship Bias khiến chúng ta có niềm tin quá mức về những con đường hay những phương pháp của những người thành công trước. Nhưng chúng ta lại quên mất rằng, 99% những người theo con đường ấy lại gặp phải thất bại.
Cũng dễ hiểu về thiên kiến này. Trong một thế giới mà thông tin ngập tràn, sự thành công luôn được lan truyền trên mọi mặt báo. Sự phấn khích ấy thường khiến con người ta quên đi mùi vị của sự thất bại trước khi đạt được những vinh quang đó.
Nhất là ở thị trường crypto này. Ta thường được nghe về những bài viết về “Tỷ phú 20 làm giàu từ tiền điện tử”, “x100 lần từ kèo …”. Nhưng ít khi ta nghe về những số liệu chính xác về bao nhiêu người đã mất, đã chia 100 lần khi bước vào thị trường này. Đừng để những thông tin ấy đánh lừa bạn.
Thiên kiến câu chuyện – Narrative Bias
Con người chúng ta luôn yêu thích những câu chuyện, bởi vì chúng khiến mọi việc liên kết với nhau một cách hợp lý hơn. Và chính những câu chuyện lại là công cụ được dùng để thổi phồng giá trị của một công ty hay một đồng coin bất kì.
Thiên kiến câu chuyện biến một đồng coin bình thường thành một đồng coin của “câu chuyện”. Và bộ não của chúng ta lại “vô tình” ưu tiên những thứ có câu chuyện mà bỏ qua những giá trị thật của khoản đầu tư đó.
Thiên kiến về ý kiến đám đông – Herd Mentality Bias
Thường được biết đến với cái tên thân thuộc – FOMO, Thiên kiến về ý kiến đám đông làm cho con người bắt chước hành động của đám đông. Vào lúc này, quyết định của chúng ta đã bị ảnh hưởng bởi cảm xúc hoặc bản năng chứ không dựa trên những phân tích của bản thân chúng ta.
Một nền tảng kiến thức vững chắc có lẽ là phương pháp hiệu quả để tránh được FOMO hay loại thiên kiến này.
Thiên kiến sẵn có – Availability Heuristic
Khi lần đầu tiếp xúc một vấn đề, chúng ta có xu hướng giải quyết theo những phương pháp thân thuộc nhất, những phương pháp mà ngay lập tức hiện ra trong đầu chúng ta. Hay nói đơn giản hơn, con người thường ưu tiên chọn những cách dễ hơn là chọn những cách khó.
Một ví dụ khá đơn giản. Tại sao chúng ta đều muốn giảm cân nhưng lại ít ai chịu khó tập thể dục. Bởi vì việc tập thể dục khiến chúng ta phải vận động, còn bộ não chúng ta lại ưu tiên sự nghỉ ngơi, thoải mái. Do đó, phần đa sẽ chọn cách nghỉ ngơi thay vì phải vận động.
Ở trong thế giới crypto, Availability Heuristic xuất hiện thông qua các hoạt động Marketing. Cùng với Recency Bias là 2 thiên kiến được các dự án sử dụng để thu hút sự chú ý, đầu tư về với dự án của mình.
Thiên kiến kết quả – Outcome Bias
Thiên kiến kết quả thể hiện hành động đánh giá một quyết định dựa vào kết quả thay vì tìm hiểu quyết định đó đã được thực hiện như thế nào.
Quay trở lại với các meme-coin hay shjt-coin, chẳng hạn chúng ta may mắn trúng được một kèo x100. Đúng là điều đó có mang lại lợi nhuận cho chúng ta, song, phải khẳng định rằng meme-coin hay shjt-coin không phải là một phương pháp đầu tư thông minh.
Hay đến với việc phân tích kĩ thuật, có rất nhiều phương pháp, mô hình,… Nhưng ta không thể chắc chắn 100% việc áp dụng đúng kĩ thuật sẽ mang lại kết quả đúng. Đây là cuộc sống, mọi thứ đều có rủi ro, việc của chúng ta là phải chấp nhận, phân tích và quản lý nó.
Thiên kiến về thẩm quyền – Authority Bias
Xu hướng tự nhiên của con người chúng ta là sẽ nghe theo ý kiến của người lãnh đạo. Một khi chúng ta đã coi ai đó là chuyên gia trong lĩnh vực, ta thường nghe theo ý kiến của người đó một cách vô điều kiện. Và sự thật là:
- Mọi chuyên gia đều là con người, đương nhiên họ sẽ có sai lầm
- Và biết đâu, họ có những động cơ bí mật đằng sau những hành động của mình
Làm sao để tránh được các thiên kiến nhận thức
Đọc đến đây, ít nhất mọi người đã có cái nhìn tổng quan về các loại Bias mà ai trong chúng ta cũng từng mắc phải. Đây là một điều tốt. Ngoài ra, còn có một số cách để nhận biết, phòng tránh các thiên kiến này.
Hãy cố gắng gọi tên chúng
Trong quá trình đánh giá, nhận xét để ra quyết định. Hãy thử nghĩ xem ta có đang mắc phải thiên kiến nào. Ví dụ:
- Khi quyết định đầu tư một token. Hãy thử đặt câu hỏi tại sao ta lại mua ? Là vì mọi người truyền tai nhau (Thiên kiến về ý kiến đám đông), được người mình mến mộ hô mua (Thiên kiến về thẩm quyền) hay do chính những phân tích của mình ?
- Thị trường xấu quá. Ta nên tiếp tục chiến thuật trung bình giá hay cắt lỗ bảo toàn vốn ? (Thiên kiến chi phí chìm)
- …
Xây dựng một danh sách
Sau khi đã gọi tên được, hãy thử ghi ra một danh sách các thiên kiến mà bạn đã gặp phải. Danh sách này đóng vai trò như một checklist, hỗ trợ chúng ta trong những quyết định sau này.
Theo dõi các khoản đầu tư
Lý thuyết thì thật dễ cho đến khi ta tiếp cận thực hành. Dù đã có một danh sách, mình tin rằng chúng ta vẫn sẽ mắc phải những lỗi lầm về Bias.
Do đó, hãy cố gắng lưu giữ lại những thông tin về các khoản đầu tư của mình. Ít nhất, ta sẽ có một nguồn thông tin để nhìn lại, để đánh giá hiệu quả đầu tư của bản thân mình. Biết đâu, bạn sẽ rút ra thêm được kinh nghiệm về các thiên kiến đã vô tình mắc phải.
Biến Thiên kiến thành lợi thế
Nếu các bạn để ý, không phải loại thiên kiến nào cũng xấu. Ít nhất là trong một vài hoàn cảnh nhất định. Khi chúng ta đã hiểu rõ về Bias, có nghĩa chúng ta đã hiểu được tâm lý của đám đông. Vì thế, đây cũng là một cơ hội hay phương thức để chúng ta kiếm lợi nhuận.
Lấy ví dụ về một dự án có được một câu chuyện ở phía sau (Thiên kiến về câu chuyện), một người leader giỏi (Thiên kiến về thẩm quyền) và được đám đông để ý (Thiên kiến về ý kiến đám đông). Nếu nhận ra được những yếu tố trên ở quãng thời gian hợp lý, đây sẽ là một cơ hội đầu tư tiềm năng.
(Source: DeFi Edge)
Nếu anh em quan tâm đến các thông tin khác của thị trường và các dự án, hãy đăng ký và tham gia các nhóm, channel của CoinF dưới đây để được thảo luận cùng các admin và nhiều member khác trong cộng đồng: