Nhìn chung thì năm vừa qua là một năm thật sự tồi tệ đối với thị trường tài chính nói chung và crypto nói riêng trên toàn thế giới. Giá cổ phiếu rớt thê thảm, bất động sản đóng băng, BTC giảm mạnh kéo theo đó là nhiều lo ngại của giới đầu tư và cả các chuyên gia về một cuộc suy thoái có thể sớm diễn ra. Nguyên nhân lớn nhất có lẽ là bởi các chính sách thắt chặt định lượng và tăng mạnh lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát tăng mạnh nhất trong 40 năm qua được gây ra bởi việc in quá nhiều tiền để hỗ trợ người dân trong đại dịch Covid-19 và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khi Trung Quốc thực hiện các chính sách Zero Covid. Những sự kiện bên lề như chiến sự giữa Nga và Ukraine cũng đã tác động khá mạnh đến thị trường Crypto. Những điều đó đã nói lên 1 điều rằng thị trường Crypto ở thời điểm hiện tại đang chịu sự ảnh hưởng không nhỏ của những biến động về kinh tế tài chính lớn trên thế giới. Những bài học xương máu, những mất mát trong 2022 đã cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc phân tích tình hình tài chính kinh tế thế giới trong thời gian tới. Vậy những biến số cần phải chú ý trong 2023 sẽ là gì? Cùng mình tìm hiểu nhé
Lạm phát
Trong lúc con đang gượng dậy từ đáy sâu do đại dịch Covid-19 gây ra, nền kinh tế toàn cầu đang phải hứng chịu những cú sốc liên tiếp trong năm 2022 từ chiến tranh, khủng hoảng năng lượng, lạm phát và lãi suất tăng vọt. Những biến động đó một lần nữa đẩy kinh tế toàn cầu đến bờ vực của suy thoái, đặt ra các thách thức to lớn cho các nhà hoạch định chính sách tiền tệ khi họ phải cùng lúc giải quyết 2 bài toán mang tên lạm phát và tăng trưởng
Những gói cứu trợ hàng ngàn tỷ USD, những chính sách nới lỏng định lượng trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành. Cùng với đó là sự đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu khi Trung Quốc mạnh tay thực hiện các chính sách Zero Covid, cơn sốt giá năng lượng và lương thực đặc biệt khi chiến sự giữa Nga và Ukraine leo thang đã khiến lạm phát “bốc đầu” ở hầu hết khắp các nền kinh tế. Ở Mỹ, lạm phát vượt 9% trong mùa hè, cao nhất hơn 40 năm đổ lại. Ở khu vực Eurozone, lạm phát lập kỷ lục ở mức 10,6% vào tháng 10. Theo một số ước tính, lạm phát toàn cầu đã vượt ngưỡng 12% trong tháng 10. IMF tại thời điểm đó đã phải lên tiếng gọi lạm phát là “mối đe dọa trực tiếp nhất đối với sự thịnh vượng ở hiện tại và trong tương lai”.
Chỉ số CPI tại Mỹ theo báo cáo mới nhất hiện đang là 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,1% so với tháng trước. Như vậy có thể thấy là tình trạng lạm phát tại nền kinh tế hàng đầu thế giới này đã có dấu hiệu tạo đỉnh và đang đi xuống trong vài tháng vừa qua. Nó là một tín hiệu gửi tới thị trường rằng những đợt tăng lãi suất đã có của Fed đang phát huy tác dụng và Fed sẽ không còn cần phải cứng rắn như trước trong các cuộc họp FOMC sắp tới. Bên cạnh đó, một số quốc gia tại Châu cũng đang có dấu hiệu lạm phát đi xuống khi giá năng lượng bắt đầu hạ nhiệt nhờ mức dự trữ dồi dào trong mùa đông
Mặc dù là vậy, nhưng những con số này ở thời điểm hiện tại vẫn đang là quá cao so với lạm phát mục tiêu của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là FED với mục tiêu giảm lạm phát xuống mức 2% trong thời gian ngắn nhất có thể. Vì lạm phát tại Mỹ bắt đầu phá đỉnh vào giữa mùa hè vừa qua, nên chúng ta có quyền hy vọng rằng từ đây tới đó sẽ là khoảng thời gian mà lạm phát có lẽ sẽ giảm mạnh và sâu nhất. Do đó, nếu bằng một cách thần kỳ nào đó mà lạm phát có thể về quanh mức mục tiêu đề ra của FED thì đây sẽ là một tín hiệu tích cực đáng mừng cho thị trường trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, biến số chiến sự giữa Nga và Ukraine cũng phải phải được quan sát kỹ lưỡng cuộc khủng hoảng năng lượng được dự báo sẽ còn căng thẳng trong năm 2023 khi Nga có thể cắt hẳn cung cấp khí đốt cho châu Âu để đáp trả những biện pháp trừng phạt mới được đưa vào thực thi gần đây. Lệnh trừng phạt bao gồm việc nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) áp trần giá 60 USD/thùng lên dầu thô Nga và EU cấm nhập khẩu dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển.
Tóm lại có thể nói rằng nhà đầu tư có quyền hy vọng vào việc hạ nhiệt lạm phát sẽ là dấu hiệu tích cực cho các thị trường tài chính phục hồi trở lại sau năm 2022 đầy trắc trở
Trần lãi suất
Để “hãm phanh” lạm phát, các ngân hàng trung ương không còn cách nào khác phải tăng lãi suất và điều đó đã tạo ra nhiều ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường tài chính trên thế giới. Một điều đáng nói là các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của nhiều nước đã đánh giá thấp về nguy cơ lạm phát trong năm 2021, trong đó có cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Chính vì vậy nên khi lạm phát tăng tốc trong năm 2022, họ đã phải dấn thân vào một cuộc đua lãi suất để hãm đà leo thang của giá cả, cho dù hệ lụy của tăng lãi suất là gây giảm tốc nền kinh tế trong thời gian tới và thậm chí là cả suy thoái vì không muốn lạm phát ăn quá sâu vào nền kinh tế quốc gia
Fed chính là ngân hàng trung ương lớn dẫn đầu cuộc đua này, với tất cả 7 đợt nâng, bao gồm 4 đợt nâng liên tiếp với bước nhảy siêu lớn 0,75 điểm phần trăm và điều này cũng đánh dấu chu kỳ thắt chặt mạnh tay nhất của Fed kể từ thập niên 1980. Các ngân hàng trung ương khác lớn như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng đảo ngược chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo đã duy trì nhiều năm. Nhiều người nói rằng thập kỷ của thời kỳ tiền dễ đã chấm dứt và chúng ta sắp phải đối mặt với các chính sách tiền tệ thắt chặt của các Ngân hàng Trung Ương. Các nền kinh tế mới nổi từ Thái Lan, Việt Nam tới Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ đồng loạt tăng lãi suất theo.
Hồi tháng 12 vừa qua, giới chức Fed phát tín hiệu sẽ tiếp tục nâng lãi suất, lên khoảng 5-5,5% trong năm 2023 thay vì con số 4,6% dự kiến trước. Điều này cho thấy một quan điểm rất cứng rắn của FED ở thời điểm hiện tại rằng họ sẽ không có ý định sớm xoay trục trong 2023. Như vậy chúng ta có thể sẽ thấy trần lãi suất tại Mỹ vào khoảng Q2/2023 nhưng từ đó đến lúc Fed bắt đầu cut rate và thực hiện các chính sách nới lỏng định lượng thì quả thật còn quá xa. Các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đang cho thấy những dấu hiệu gần tới chỗ hoàn tất chu kỳ tăng lãi suất. Tuy nhiên, cũng giống như thông điệp cứng rắn mà Fed bày tỏ sau khi giảm tốc, ECB và BOE cũng phát tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho tới khi lạm phát được khống chế thực sự. Vì thực tế thì cả ECB lẫn BOE đều chậm trễ so với Fed trong cuộc chiến chống lại lạm phát, trần lãi suất của ECB được kỳ vọng sẽ ở mức 3% trong 2023 và BOE là 4,5%. Chúng ta đang rất gần với điểm đó rồi và thị trường có lẽ sẽ có nhiều biến động khi điều đó xảy ra.
Tuy nhiên thứ mà chúng ta sẽ nghe nhiều vào 2023 sẽ không phải là lãi suất mà đó sẽ là suy thoái
Suy thoái kinh tế toàn cầu
Mặc dù dự báo cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy thoái không nhận được sự đồng tình của phần đông các chuyên gia kinh tế. Nhưng với tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống mức thấp hơn sau khi đã giảm mạnh trong năm 2022, kịch bản suy thoái có khả năng cao sẽ trở thành hiện thực.
Theo một cuộc khảo sát của tờ Wall Street Journal, trong số 23 định chế tài chính có giao dịch trực tiếp với Fed, hơn 2/3 tin rằng Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay. Hai định chế khác dự báo suy thoái sẽ xuất hiện tại nền kinh tế lớn nhất thế giới trong năm 2024. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn cầu sẽ giảm từ 6% trong năm 2021 xuống còn 3,2% trong năm 2022 và 2,7% vào năm 2023. IMF nói rằng đây là “mức tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2001 ngoại trừ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và giai đoạn căng thẳng của đại dịch Covid-19”.
Nguyên nhân có lẽ xuất phát từ việc các ngân hàng trung ương và đặc biệt là Fed đã quá mạnh tay trong việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát vì ngay từ đầu họ đã quá chủ quan coi thường nó. Phần lớn các chuyên gia kinh tế được Wall Street Journal khảo sát dự báo rằng lãi suất tăng sẽ đẩy tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ từ mức 3,7% trong tháng 11 lên mức hơn 5%. Dù mức thất nghiệp như vậy vẫn thấp so với các cuộc suy thoái đã từng diễn ra trong lịch sử, nhưng sự gia tăng đó đồng nghĩa với hàng triệu người Mỹ sẽ mất việc làm. Các ngân hàng thắt chặt cho vay, và nhu cầu suy yếu tới mức gần như trong các cuộc suy thoái kinh tế
Các chỉ số đo hoạt động kinh doanh nói chung và các thước đo của ngành dịch vụ và sản xuất cũng giảm xuống thấp nhất kể từ cuộc suy thoái kinh tế do Covid-19 gây ra trong năm 2020. Thậm chí các nhà kinh tế học lạc quan nhất cũng dự báo kinh tế Mỹ năm nay sẽ tăng trưởng chậm hơn nhiều so với mức tăng đạt được trong 20 năm qua. Ngay cả Goldman Sachs, ngân hàng có cái nhìn lạc quan nhất về kinh tế Mỹ 2023, cũng cho rằng mức tăng trưởng GDP năm nay của nước này chỉ đạt 1%.
Nói chung khả năng về một cuộc suy thoái là hoàn toàn có thể xảy ra nhưng có lẽ sẽ không quá nặng nề khi chúng ta đang gần đi đến điểm cuối trên chặng đường tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương
Trung Quốc mở cửa trở lại
Với khả năng phục hồi và tiềm năng của nền kinh tế, các nhà phân tích tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2023. Năm 2022, hoạt động thương mại của Trung Quốc ghi nhận mức sụt giảm tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát và buộc phải thực hiện mạnh tay các chính sách Zero Covid.
Nhiều nhà kinh tế dự đoán nền kinh tế nước này sẽ tăng trưởng dưới 3% trong năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức là 5,5%. Dù đối mặt nhiều thách thức trong năm 2022, Trung Quốc nhìn chung đã duy trì được sự ổn định của nền kinh tế khi phối hợp chính sách kiểm soát COVID-19 với phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã quyết định nới lỏng vào tháng 12 – một động thái được cho là “mở đường” để quốc gia đông dân nhất thế giới tiến tới “sống chung với Covid” như các nước khác trên thế giới. Sự nới lỏng này diễn ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh và cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản nước này vẫn chưa có hồi kết.
Việc Trung Quốc tiến tới mở cửa trở lại được cho là sẽ có ảnh hưởng lớn đến triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2023. Nếu phục hồi mạnh, Trung Quốc có thể giữ vai trò dẫn dắt kinh tế thế giới thoát khỏi nguy cơ suy thoái, trong lúc cả kinh tế Mỹ và châu Âu đều được dự báo có thể suy thoái trong 2023. Nhưng cùng với đó, sự khởi sắc của nhu cầu ở Trung Quốc cũng có thể khiến lạm phát trên toàn cầu tăng tốc trở lại, khiến các ngân hàng trung ương khó sớm xoay trục chính sách tiền tệ.
Đó là nhìn trong dài hạn, còn trước mắt, Trung Quốc đang phải ứng phó với sự gia tăng của số ca nhiễm mới sau khi các biện pháp chống dịch được nới, và điều này được cho là sẽ gây trở ngại cho tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới trong ít nhất nửa đầu 2023.
Tổng kết
Nhìn chung thì giới đầu tư đang nhìn vào 2023 với những lo ngại về suy thoái kinh tế và lạm phát dai dẳng. Cũng cần phải nói thêm rằng hầu hết giới kinh tế học và nhà đầu tư ở Phố Wall, cũng như các nhà hoạch định chính sách ở Washington DC, đã dự báo sai về năm 2022. Từ việc Fed khăng khăng lạm phát chỉ là vấn đề tạm thời, cho tới việc các chuyên gia dự báo hàng đầu tin 2022 sẽ là một năm tăng trưởng nhẹ cho cả cổ phiếu và trái phiếu. Chính mức độ dự báo sai về năm 2022 của các nhà đầu tư, phân tích và kinh tế học đang khiến nhiều người nhìn về năm 2023 với một tâm trạng bấp bênh. Tuy nhiên chúng ta có quyền hy vọng vào 1 năm khởi sắc đối với thị trường crypto sau khi đã trải qua muôn vàn khó khăn trong 2022