Trong khoảng thời gian 3 tháng cuối năm 2021, từ khóa “Play to Earn” đã trở thành một đề tài cực hot trên các diễn đàn mạng xã hội của các cộng đồng crypto khác nhau, tất cả đều khởi nguồn từ sự bùng nổ của một dự án game NFT tới từ Việt Nam – Axie Infinity.
Với doanh thu và lợi nhuận khủng mà các tựa game này mang lại, thậm chí còn vượt xa các protocol hàng đầu tại thời điểm ấy, “Play to Earn” đã trở thành một mô hình kinh doanh thịnh hành và là miếng bánh hấp dẫn đối với cả người dùng và đội ngũ phát triển dự án, thậm chí nó còn trở thành nguồn thu nhập chính đối với nhiều người trong suốt đại dịch Covid-19 ở một số quốc gia đang phát triển trên thế giới có thể kể đến như Philippines,…
Tuy nhiên, mặc dù làn sóng “Play to Earn” đã từng rất hot tại Việt Nam và đem lại lợi nhuận khủng đối với nhiều người nhưng bên cạnh đó cũng đã có rất nhiều dự án scam mọc lên hay những vụ “rug pull” chấn động của đội Dev để khiến cho nhiều anh em chia đến vài chục lần tài khoản và không thấy ngày về bờ.
“Play to Earn” là gì?
Đầu tiên, nói về mặt khái niệm, thì “Play to Earn” là một cụm từ không quá khó hiểu với nhiều người, đây là một hình thức chơi game mà người chơi có thể nhận được phần thưởng trong trò chơi khi tham gia chơi game, sau đó người chơi có thể trao đổi, mua bán các vật phẩm này để kiếm tiền. Nói một cách ngắn gọn thì “Play to Earn” chính là hình thức chơi game kiếm tiền.
Thực ra việc chơi game kiếm tiền không phải là chuyện quá lạ đối với nhiều người, đối với các anh em 8x, 9x thì các tựa game như VLTK, MU khi mà người chơi cày được acc khủng hay lượm được đồ xịn rồi đem đi bán kiếm tiền đã không xa lạ đối với nhiều anh em. Hay thậm chí kể cả thế hệ 10x với các tựa game như LOL, FIFA Online, các game thủ tài năng có thể đi đánh các giải đấu chuyên nghiệp lớn do NPH tổ chức và kiếm tiền thưởng, danh hiệu cũng không phải là chuyện quá lạ.
Ngày nay, nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của thị trường crypto nói riêng và công nghệ blockchain nói chung, các tựa game được xây dựng trên các nền tảng blockchain cho phép người dùng có quyền sở hữu các NFT (vũ khí, quần áo, đất đai,…) và tham gia trực tiếp vào hệ sinh thái của game. Chính việc bán các NFT trong game qua các các marketplace hoặc là nhận các token trả thưởng đã tạo ra lợi nhuận cho người chơi và chính điều đó đã tạo nên làn sóng “Play to Earn” hay còn gọi là GameFi hay Game NFT rất hot trong thời gian vừa qua có thể kể đến như Axie Infinitiy hay Metamon Island,…
Sự bùng nổ của “Play to Earn”
Như mình đã nói ở trên thì sự bùng nổ của mô hình game “Play to Earn” gắn với sự bùng nổ của thị trưởng crypto trong thời gian đổ lại đây và cả sự phát triển của công nghệ Blockchain. Trong đó có rất nhiều yếu tố nhỏ khác nhau nhưng nổi bật nhất có thể nói đến chính là NFT và quyền sở hữu (true ownership).
NFT
Nói một chút về NFT thì NFT là viết tắt của Non-Fungible-Token, là loại token có tính độc nhất và không thể bị thay thế bởi những token khác. Các NFT sẽ đại diện cho những vật phẩm hay tài sản có giá trị sưu tầm khác nhau, chính vì thế NFT được ứng dụng rất nhiều bởi các nghệ sĩ, họa sĩ hay nhà phát triển game,…
Những người ở lâu trong thị trường crypto đều biết tiềm năng của NFT thực sự rất lớn, có những bộ sưu tập NFT trị giá hàng chục triệu đô như Cryptopunk, Bored Ape Yacht Club,…Và cũng giống như tranh ảnh hay âm nhạc, thứ làm nên giá trị của 1 NFT từ trước đến nay vốn nằm ở tính sưu tầm và giá trị mua bán của nó. Nhưng đến với gaming nó còn có thêm 1 giá trị khác nữa đó là tính ứng dụng.
Lấy ví dụ như Axie Infinity, một tựa game đình đám đã không còn quá xa lạ đối với nhiều người khi là người mở đường cho làn sóng “Play to Earn” hay GameFi cực nóng trong thời gian vừa qua. Trong đó, người chơi sẽ sở hữu các NFT đại diện được gọi là Axie và mỗi Axie sẽ có một chỉ số sức mạnh nhất định để người chơi có thể kết hợp chiến đấu và giành phần thưởng (SLP).
Quyền sở hữu thực sự (true ownership)
Đối với các tựa game truyền thống từ trước đến nay đều đã và đang gặp phải một vấn đề gây nhức nhối đối với các game thủ đó là việc mọi quyền lực trong game đều nằm trong tay NPH và họ có thể kiểm soát nguồn cung, công dụng và do đó gần như họ có thể định đoạt giá trị của vật phẩm chứ không phải là người chơi. Đã có không ít trường hợp NPH vì chạy theo lợi nhuận mà tự bán các vật phẩm hiếm một cách tràn lan và làm mất giá trị vốn có của nó, lâu dần điều này làm chán nản các game thủ để rồi dẫn đến game sụp đổ. Tiêu biểu mình nghĩ có thể kể đến các tựa game không quá xa lạ với anh em như FIFA Online 3, Boom, Audition,… Điều này làm cho bao công sức, tiền bạc và cả tâm huyết của người chơi vào game coi như đổ sông đổ bể, đây cũng là lí do mình nghĩ vì sao các tựa game mang tính “Play to Earn” truyền thống chết dần.
Tuy nhiên, đối với các tựa game được xây dựng trên nền tảng blockchain, người chơi sẽ sở hữu các vật phẩm trong game dưới dạng các NFT và được chứng nhận bởi Blockchain, do đó không nhà phát hành nào có thể lấy đi vật phẩm, kể cả sever có sập, thậm chí người chơi còn có thể giao dịch các NFT tự do mà không còn bị giới hạn trọng game như trước nữa. Bên cạnh đó thì với tính chất độc nhất của 1 NFT, số lượng phát hành và tính chất sẽ là cố định và không thể thay đổi, người chơi cũng sẽ giảm bớt được những lo lắng về vấn đề lạm phát vật phẩm do NPH như trong các tựa game cũ nữa.
Một số yếu tố khác
Ngoài ra cũng có những yếu tố khác mà mình nghĩ là có tác động đến sự bùng nổ của thị trường GameFi thời điểm vừa qua. Đó là việc dễ dàng mua bán và dễ dàng để chơi. Nhìn chung thì các game hiện nay có cơ chế chơi khá đơn giản và gần như không tốn quá nhiều sức lực, bên cạnh đó thì hầu hết các tựa game cũng tạo cho mình những marketplace riêng để các player tự do mua bán vật phẩm với nhau mà không cần xác thực qua một bên trung gian nào. Những yếu tố đó cũng góp phần không nhỏ trong việc thu hút nhiều người chơi hơn.
Chung quy lại thì tất cả các yếu tố trên đã giúp cho mô hình “Play to Earn” có sự bùng nổ trong thị trường crypto, qua đó người dùng có thể kiếm thêm thu nhập từ việc chơi game có thưởng hằng ngày. Còn một yếu tố quan trọng khác để thu hút người dùng đến với một tựa game nữa đó là ROI (Return on investment), nhưng mình sẽ đề cập đến vấn đề này ở phần sau.
Điểm yếu và thách thức của các mô hình GameFi hiện nay
Cơ sở hạ tầng còn hạn chế
Hiện nay, có thể nói cơ sở hạ tầng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của một game NFT. Nếu một game có game play tốt, đồ họa đẹp, dễ tiếp cận người mới,… điều đó có thể thu hút rất nhiều người chơi mới nhưng nếu nền tảng blockchain mà nó được xây dựng lại không thể đáp ứng được khối lượng giao dịch lớn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến trải nghiệm người chơi.
Và thực tế đã chứng minh điều đó, tựa game đình đám một thời CryptoKitties đã từng khiến mạng Ethereum tắc nghẽn vì ảnh hưởng đến tốc độ giao dịch. Hay như Axie Infinity sử dụng layer 2 là Ronin cũng là một minh chứng rõ ràng cho việc phát triển game trên Ethereum hiện tại không phải là một ý tưởng hay.
Hiện nay dù đã có nhiều blockchain với tốc độ xử lý giao dịch nhanh chóng và phí gas thấp như Solana, Binance Smart Chain, … nhưng tình trạng nghẽn mạng vẫn thường xảy ra.
Game play và đồ họa
Là một người chơi game từ bé đến tận thời điểm hiện tại với các thể loại game truyền thống và cũng đã trải qua nhiều game “Play to Earn” khác nhau trong làn sóng vừa qua. Cá nhân mình cảm thấy rằng, các game NFT hiện nay vẫn chưa thể so được với các game truyền thống về hầu hết các mặt, từ việc đồ họa còn đơn giản đến việc gameplay còn khá chán và chưa có sự đa dạng. Ta có thể nhận ra một điều rằng các thể loại game truyền thống mặc dù không mang tính “Earn” nhưng từ trước đến nay vẫn thu hút rất nhiều người chơi là bởi sự đa dạng về thể loại cuốn hút và hấp dẫn như Moba, FPS, ….. Còn ở các game NFT hiện nay thu hút người chơi đa phần là vì lợi nhuận khủng, ROI cao hay phần thưởng hấp dẫn chứ không thật sự mang nhiều tính chất giải trí.
Tất nhiên, mình không hề chê bai các tựa game NFT, cá nhân mình vẫn rất lạc quan tin tưởng vào tương lai của thị trường GameFi và hiện tại cũng đang có các tựa game với những bước đột phá về đồ họa như Star Atlas trên blockchain Solana hay The Ember Sword đang trong giai đoạn phát triển. Nhưng mình vẫn hi vọng các tựa game trong tương lai có thể cải thiện nhiều hơn về các mặt này để mang đậm tính “Game” hơn nữa chứ không chỉ đơn thuần là “Finance”.
Vốn đầu vào
Tại thời điểm mình viết bài, vốn đầu vào ở các tựa game từng nổi đình nổi đám trong quãng thời gian vừa qua như: Axie Infinity, Metamon Island, Decentraland…cũng đã giảm xuống ở mức vừa phải, một phần cũng do sự điều chỉnh mạnh của BTC trong quãng thời gian vừa qua đã có những ảnh hưởng lên các native token, một phần cũng do sự điều chỉnh về cơ chế của các game để hạn chế sự lạm phát dẫn đến giá NFT giảm,… Nhưng đã từng có thời điểm, để tham gia vào các dự án game “Play to Earn” người chơi phải bỏ ra những số tiền từ hàng trăm cho đến hàng ngàn đô. Dĩ nhiên điều này đến từ nhiều yếu tố như: Fomo từ người mới, lợi nhuận khủng, giá token tăng,… nhưng điều đó cũng đã cho thấy một rào cản khá lớn đối với những người chơi muốn trải nghiệm game vì không ai cũng có thể hoặc sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn như vậy để trải nghiệm một tựa game. Nếu trong tương lai GameFi có sự bùng nổ một lần nữa thì tình huống như vậy là hoàn toàn có thể xảy ra và điều đó không hề tốt đối với dự án.
Sự phản đối đến từ nhiều game thủ
Nghe thì có vẻ lạ nhưng đó là sự thật, không phải ai cũng ủng hộ mô hình “Play to Earn” này. Một số người cho rằng đó là một sự xâm nhập mang tính thương mại hóa vào thế giới gaming vốn trước giờ phục vụ cho mục đích giải trí là chính. Một vài game thủ quen với việc “Pay to Win” cho rằng mô hình “Play to Earn” này là một sự lố bịch. Quan điểm của họ là việc đưa những mô hình kinh tế vào trong game sẽ biến mục đích giải trí đơn thuần ban đầu của các tựa game trở thành việc “Đầu tư giải trí” và làm mất đi bản chất vốn có của nó. Thực tế đã từng có trường hợp NPH phải từ bỏ việc “blockchain” hóa game của mình do vấp phải sự phản ứng dữ dội từ cộng đồng game thủ như trường hợp của STALKER 2 GSC Game World.
Ứng dụng thực tiễn hay trò bơm thổi?
Quan điểm cá nhân của mình vẫn là mình vẫn lạc quan tin tưởng vào tương lai của GameFi bởi nó đang là một hướng tiếp cận giúp Blockchain và crypto đến gần hơn với mọi người.
Nhưng thực tế là trong khoảng thời gian vừa qua, sau sự bùng nổ mạnh mẽ của của các dự án NFT và gaming, đi đầu là Axie Infinity thì các dự án GameFi bắt đầu mọc lên như nấm sau mưa. Ngoại trừ số ít dự án thực sự nổi bật đa phần đều đi theo một mô típ chung nhằm bơm thổi dự án và giá token như việc list token dự án từ sớm và mãi không ra game (thậm chí còn không ra game). Những dự án này lợi dụng tâm lý của đại đa số người chơi khi tìm kiếm dự án đầu tư đó là: Giá token, market cap, vốn vào game, bán IDO,.. và đặc biệt là ROI. Hầu hết đa phần các dự án này sản phẩm đều không quá nổi bật nếu không muốn nói là quá đơn giản, game dành cho con nít nhưng lại được truyền tai nhau là siêu lợi nhuận, ROI khủng, về bờ nhanh chóng,…. Chính những thứ này đã tạo nên hiện tượng Fomo đối với không ít dự án và hậu quả để lại là cực kỳ nghiêm trọng, những người vào trước đã hoàn vốn và có lãi thì họ tìm qua những dự án khác, còn người mới thì phải hứng chịu những đợt xả token từ những người đi trước và cứ thế đu đỉnh. Thậm chí còn có nhiều dự án scam thẳng mặt khi đội Dev xả hàng triệu token ở giá cao rồi biến mất, bỏ dự án để lại người chơi không biết phải làm gì.
Mọi người nên nghiên cứu kĩ dự án trước khi xuống tiền của mình đầu tư, nếu không cũng hãy cố gắng tìm một điểm vào đẹp vì giờ không thiếu các dự án bánh vẽ nhưng roadmap và tokennomics lại không rõ ràng. Nền kinh tế trong game vốn là một bài toán khó khăn đối với bất kì một dự án nào, rất khó trong việc hạn chế hay chỉ là giữ ổn định sự lạm phát về phần thưởng trong game. Đến cả Axie vừa rồi cũng phải thay đổi lượng SLP phần thưởng của họ sau 3 năm hoạt động khi họ nhận ra rằng đó là cách duy nhất để giữ cho dự án phát triển lâu dài.
Xu hướng “Play to Earn” sắp tới
2021 bùng nổ
Năm 2021 đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của các dự án game NFT trên nhiều nền tảng khác nhau. Các dự án Gaming đã có một mùa tăng trưởng mạnh mẽ, có những dự án đạt mức tăng trưởng khủng khiếp khi giá token tại thời điểm ATH có thể gấp đến hàng trăm lần so với mức giá được ghi nhận đầu năm (GALA gấp 450 lần tương đương với mức tăng trường 45,000%).
Sự tăng trưởng cực nóng của thị trường Gaming cũng đã tạo ra một mảng tiềm năng mới trong thị trường – Guild Game. Với sự tiên phong đến từ Yield Guild Games và kế tiếp đó là sự ra đời của rất nhiều Guild được tạo ra để kết nối những người chơi với nhau, tạo nên cộng đồng vững mạnh.
Cùng với làn sóng mạnh mẽ đó, chỉ số Unique Active Wallets – UAW tức là lượng users hoạt động trên các ứng dụng GameFi lần đầu tiên vượt qua cột mốc 1 triệu người dùng vào tháng 10/2021. Đến đầu quý 4/2021, chỉ số UAW đã có sự tăng trưởng vượt trội đạt 318% so với đầu quý 3 năm nay (Số liệu được lấy từ DappRadar) đồng thời ghi nhận mức cao nhất đạt 1,5 triệu vào ngày 30/11. Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn đang có khoảng 1,3 triệu users hoạt động hàng ngày trên các DApps GameFi.
Thậm chí đến cả ngành công nghiệp game chính thống cũng đang dần bị thu hút bởi triển vọng của NFT và mô hình “Play to Earn” trong đó dẫn đầu là Axie Infinity với khoảng 3 triệu người dùng hằng ngày và khối lượng giao dịch lên đến 4 tỷ đô la. Gã khổng lồ trong ngành trò chơi điện tử của Pháp Ubisoft cũng đã công bố kế hoạch cho Ubisoft Quartz – một nền tảng cho phép người chơi kiếm tiền từ các NFT trên blockchain Tezos.
Xu hướng 2022
Như đã nói ở phần trên, sự xuất hiện của các Guild Game được tạo ra với mục đích kết nối giữa những người sở hữu NFT nhưng không chơi game với những người mong muốn chơi game mà không sở hữu NFT.
GameFi đã có đủ điều kiện để khẳng định vị thế quan trọng của mình trong không gian tiền mã hoá. Do đó, việc dự phóng cho một sự tăng trưởng đột biến về mặt số lượng người chơi khi các game AAA ra mắt trong năm tới là hoàn toàn có cơ sở. Để phục vụ cho số lượng người chơi này, việc phát triển các công cụ quản lý và hệ sinh thái xoay quanh những công cụ này là hết sức cần thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế của các Gaming Guild so với các đối thủ cạnh tranh.
Bởi có dòng tiền rõ ràng, sự tăng trưởng nhanh chóng, các guild này nhanh chóng có định giá lên tới hàng tỷ đô, tuy nhiên các guild hiện tại vẫn còn gặp nhiều vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới, như việc thiếu các game chất lượng để tạo scholarship, hay việc khó khăn trong quản lý các scholarship. Xử lý được những vấn đề này, gaming guilds có thể sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2022.
Thời điểm cuối năm 2021, chúng ta đã chứng kiến sự nổi lên của các nền tảng quản lý scholar và công cụ như Axie Academy Bot của Blockchain Space, công cụ quản lý scholar của PathDAO hay là EzHub và hệ sinh thái gaming trên nền tảng web của GuildFi.
Bên cạnh đó thì việc ngày càng có nhiều các dự án blockchain tham gia vào miếng bánh “Play to Earn”, phải kể đến đáng chú ý nhất là bộ sưu tập NFT đình đám có giá trị hàng triệu đô Bored Ape Yacht Club đã thông báo sắp ra mắt tựa game “Play to Earn” trong Roadmap mới nhất của mình đã tạo niềm tin cho nhiều nhà đầu tư vào tiềm năng của thị trường GameFi.
Một phần không thể thiếu khác mà phải kể đến đó chính là “Metaverse”. Cụm từ này cũng đã từng làm mưa làm gió trên thị trường Crypto. Nói một cách dễ hiểu thì “Metaverse” là một thế giới ảo được tạo nên từ mạng Internet và các công cụ hỗ trợ thực tế ảo tăng cường (như VR, AR hoặc các dụng cụ khác), nhằm giúp người dùng có được những trải nghiệm chân thật nhất.
Việc Facebook thay đổi định hướng từ một “Social Media company” trở thành “Metaverse company” để đánh dấu tham vọng của mình đồng thời Microsoft, Adidas và gần đây nhất là Samsung cũng tham gia vào đã khiến cho Metaverse đã trở thành một từ khóa rất hot và được rất nhiều người quan tâm. Cùng với sự bùng nổ của GameFi thì Metaverse được kỳ vọng như một trend tiếp theo sau Play to Earn.
Hiện tại có thể kể đến 1 số dự án nổi bật như The Sandbox hay Decentraland cũng với nhiều dự án khác. Đã có những NFT đất ảo được đấu giá lên đến hàng trăm nghìn đô, những buổi hòa nhạc hàng ngàn người tham dự,… Nên mặc dù chúng ta đang ở giai đoạn đầu trong việc hình thành một Metaverse hoàn chỉnh, ta vẫn có thể tự tin rằng tiềm năng của nó trong tương lai là vô cùng lớn. Hãy tưởng tượng một tương lai mà người chơi LOL có thể tự nhập vai vào các tướng mình đã chọn và chơi game.
Tổng kết
Nói chung thì quan điểm của mình vẫn rất lạc quan vào thị trường Game NFT trong tương lai, tiềm năng phát triển là vô cùng lớn và theo mình trong một tương lai không xa ta sẽ có cơ hội chứng kiến sự bùng nổ của “Play to Earn” về cả chất lượng và số lượng khi mà những khoản đầu tư khổng lồ trong khoảng thời gian vừa qua và cả sắp tới bắt đầu phát huy tác dụng của mình. Với số vốn khổng lồ đã được huy động trong năm 2021 (4 tỉ đô) để đầu tư vào các tựa game AAA và các cơ sở hạ tầng cần thiết, ta hoàn toàn có cơ sở để mong đợi vào một ngòi nổ các tựa game AAA sẽ lại một lần nữa kích hoạt sự bùng nổ của các tựa game blockchain.
Thị trường gaming là một thị trường có sức tăng trưởng đều đặn hàng năm và có thể đạt đến con số 200 tỉ đô với 3 tỷ người dùng vào năm 2023. Trong khi đó tổng giá trị vốn hóa của top 10 dự án Game NFT hàng đầu hiện nay chỉ rơi vào khoảng 5 tỷ đô, một con số rất khiêm tốn và cũng cho thấy được những tiềm năng phát triển to lớn hơn nữa trong tương lai.
Đó là câu chuyện trong tương lai, còn hiện tại thì các tựa game “Play to Earn” vẫn còn rất nhiều thứ để cải thiện. Ngay đến cả người chơi cũng cần học cách đánh giá dự án để tránh bị mắc vào những dự án bơm thổi không rõ ràng. Tổng quan lại thì “Play to Earn” vẫn là thứ đáng để chờ đợi trong tương lai.